Huyệt Đầu Duy: Vị trí, Tác dụng và Cách bấm huyệt

Huyệt Đầu Duy là huyệt thứ 8 của kinh Vị và là huyệt giao hội với kinh túc thiếu dương Đởm. Với các tác dụng khu phong, tiết nhiệt, trấn thống; huyệt vị này được sử dụng chủ yếu trong điều trị các bệnh vùng đầu – mặt như đau đầu, chóng mặt, liệt mặt, đau mắt…

Thông tin chung về huyệt Đầu Duy

Huyệt Đầu Duy (ST8) hay còn gọi là Tảng Đại nằm ở góc của hai bên đầu (Đầu nghĩa là cái đầu, Duy nghĩa là góc), có các đặc tính sau:

  • Là huyệt Hội của kinh Dương minh với kinh Thiếu dương ở chân và mạch Dương duy.
  • Là huyệt thứ 8 của kinh Vị và là huyệt giao hội với kinh Túc thiếu dương Đởm.

Huyệt vị này có tác dụng khu phong, tiết nhiệt, trấn thống; chủ trị các bệnh ở vùng đầu – mặt. Khi vận dụng phương pháp châm cứu với huyệt Tảng Đại, chỉ thực hiện kỹ thuật châm, không cứu.

Hình ảnh huyệt Đầu Duy
Hình ảnh huyệt Đầu Duy.

Vị trí huyệt Đầu Duy và cách xác định huyệt

Huyệt Đầu Duy nằm trên đường khớp đỉnh trán ở hai bên góc trán, cách bờ chân tóc 0,5 thốn. Giải phẫu cho thấy vùng huyệt dưới da là cơ thái dương dính vào cân sọ, dưới cân sọ là xương sọ. Dây thần kinh sọ não số 5 chi phối da vùng huyệt và nhánh dây thần kinh sọ não số 5 là dây thần kinh vận động vùng cơ dưới huyệt.

Cách xác định huyệt Đầu Duy như sau:

  • Cách 1: đặt tay lên 2 bên góc trán sau đó cắn hàm lại, vị trí nơi ụ cơ nổi lên chính là điểm huyệt cần tìm.
  • Cách 2: xác định huyệt Thượng Tinh nằm trên đường thẳng giữa đầu, cách chân tóc 1 thốn. Sau đó đo ngang từ huyệt Thượng Tinh sang mỗi bên 4,5 thốn là vị trí huyệt ST8.
Huyệt Đầu Duy nằm ở hai bên góc trán, cách huyệt Thượng Tinh 4,5 thốn
Huyệt Đầu Duy nằm ở hai bên góc trán, cách huyệt Thượng Tinh 4,5 thốn.

Chú ý: thốn còn được gọi là tấc đồng thân, là đơn vị đo được sử dụng thường xuyên trong YHCT. Độ dài 1 thốn bằng bề ngang ngón tay cái của người bệnh (đo tại vị trí dưới chân móng).

Tác dụng của huyệt Tảng Đại

Với các tác dụng khu phong, tiết nhiệt, trấn thống, huyệt Tảng Đại phát huy hiệu quả cao trong điều trị các bệnh:

  • Bấm huyệt tác dụng chữa đau đầu và đau nửa đầu
  • Các bệnh về mắt như: khô mắt, nhức mắt, mỏi mắt, giật mí mắt…
  • Liệt mặt, tê mặt, méo miệng, đau dây thần kinh trước trán.

Ngoài cách sử dụng đơn lẻ, Đầu Duy còn thường xuyên được dùng phối hợp với các huyệt khác để nâng cao hiệu quả và mở rộng phạm vi chữa bệnh. Sách Châm cứu học Thượng Hải giới thiệu một số cách phối huyệt Đầu Duy trị bệnh như sau:

  • Phối huyệt Bách hội chữa đau đầu.
  • Phối huyệt Liệt Khuyết chữa đau nửa đầu.
  • Phối huyệt Thiên trụ và Toản trúc trị chóng mặt.
  • Phối huyệt Ế phong và Đồng tử liêu trị chảy nước mắt khi ra gió.
  • Phối huyệt Hợp cốc, Bách hội, thấu Hậu khê, Thái dương, Thái xung, thấu Dũng tuyền trị tâm thần phân liệt.
  • Phối huyệt Dương bạch, Nghinh hương, Địa thương, Ế phong trị liệt thần kinh mặt.
Đầu Duy là huyệt phát huy hiệu quả cao trong điều trị các bệnh vùng đầu - mặt như đau đầu, liệt mặt, méo miệng và các bệnh về mắt
Đầu Duy là huyệt phát huy hiệu quả cao trong điều trị các bệnh vùng đầu – mặt như đau đầu, liệt mặt, méo miệng và các bệnh về mắt.

Để dùng huyệt Đầu Duy chữa bệnh, YHCT vận dụng 2 phương pháp chính là bấm huyệt và châm cứu. Trong đó, châm cứu là kỹ thuật phức tạp, tác động sâu xuống dưới bề mặt da, cần được thực hiện bởi bác sĩ Đông y vững kiến thức chuyên môn và giàu kinh nghiệm. Bấm huyệt là phương pháp đơn giản hơn, có thể vận dụng trong chăm sóc sức khỏe tại nhà.

Cách bấm huyệt Đầu duy và lưu ý khi bấm huyệt

Bấm huyệt Đầu Duy là phương pháp phòng và trị bệnh tương đối đơn giản và an toàn mà bất cứ ai cũng có thể vận dụng. Tuy nhiên, cần đảm bảo xác định chính xác vị trí huyệt và day ấn huyệt đúng cách để đạt được hiệu quả điều trị tốt và phòng tránh nguy cơ tai biến.

Sau khi đã xác định được vị trí huyệt theo hướng dẫn bên trên, người bệnh có thể bấm huyệt Đầu Duy bằng 1 trong 2 cách sau:

  • Cách 1: dùng ngón cái hoặc ngón trỏ ấn huyệt cho tới khi có cảm giác tê tức thì dừng lại và giữ huyệt trong khoảng 10 giây. Thực hiện liên tục từ 3-5 lần.
  • Cách 2: dùng ngón cái hoặc ngón trỏ ấn và day huyệt theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 2-3 phút. Day ấn với lực từ nhẹ tới mạnh cho tới khi cảm thấy căng tức tại chỗ.

Để bấm huyệt Đầu Duy trị bệnh an toàn và hiệu quả, cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Cắt gọn móng tay và rửa sạch tay trước khi bấm huyệt để phòng tránh nguy cơ làm tổn thương da và gây nhiễm trùng.
  • Nên bấm huyệt Tảng Đại đều đặn 2 lần mỗi ngày vào sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
  • Không bấm huyệt khi đang quá no hay quá đói hoặc sau khi sử dụng rượu bia để tránh làm tổn thương dạ dày.
  • Không day ấn huyệt cho phụ nữ có thai, người đang bị sốt, người bị bệnh xương khớp mạn tính hoặc bệnh nhiễm trùng.

Đầu Duy là một trong số những huyệt cơ bản nhất ở vùng đầu – mặt. Sử dụng huyệt vị này đúng cách đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của chúng ta. Hy vọng các thông tin cơ bản về công năng và cách sử dụng huyệt Đầu Duy được cung cấp trên đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích giúp quý vị dùng huyệt trị bệnh an toàn và hiệu quả.

Xem thêm:

The post Huyệt Đầu Duy: Vị trí, Tác dụng và Cách bấm huyệt appeared first on Đông Phương Y Pháp.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Top 12 Thuốc Đông Trùng Hạ Thảo Được Ưa Chuộng Hàng Đầu

Klamentin 875/125 là thuốc gì? Tác dụng, liều dùng và giá bán

Xơ Vữa Động Mạch Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân, Cách Điều Trị