Huyệt Trung Phủ: Tổng quan và một số ứng dụng trong trị liệu

Trung Phủ được đánh giá là một trong các huyệt đạo chính có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Vậy, huyệt Trung Phủ ở đâu và có thể chữa những bệnh gì?

Tên gọi, đặc tính huyệt vị

Tên gọi: Trung Phủ

Giải nghĩa:

  • Trung: Có nghĩa là bên trong, nội bộ, trong đó.
  • Phủ: Theo nghĩa đen, phủ có nghĩa là kho tàng, thương khố – nơi cất giữ văn thư hoặc tài sản của triều đình, bên cạnh đó còn có nghĩa là nơi tụ hội của con người hoặc vật chất.
  • Trung Phủ: Biểu thị ý nghĩa là nơi tập trung tà khí nguyên nhân gây ra bệnh.
  • Theo Trung Y Cương Mục: Phủ chỉ nơi kinh khí hội tụ. Vị trí huyệt là nơi hội tụ mạch khí của kinh Phế. Vùng giữa ngực là nơi thần khí của Phế hội tụ, vì vậy được gọi là Trung Phủ.

Tên gọi khác: Phủ Trung Du, Ưng Trung Du, Ưng Du.

Đặc tính:

  • Huyệt thứ nhất của kinh Phế.
  • Huyệt Mộ – Nơi khí tạng Phế đến.
  • Huyệt Hội với Túc Thái Âm Tỳ.
  • Huyệt để tả Dương ở ngực (Nhiệt tà) khi phối hợp với các huyệt Đại Cự, Khuyết Bồn và Phong Môn.
  • Huyệt quan trọng trong chẩn đoán bệnh suy nhược thần kinh.

Theo thiên Điên Cuồng (Linh Khu 22): Ấn ngón tay trên các huyệt Trung Phủ, Vân Môn và Phế Du (Bq.13) bệnh nhân sẽ cảm thấy khí lên. Nếu ấn huyệt với lực mạnh hơn sẽ cảm thấy dễ chịu. Do đó, khi bị rối loạn khí kèm theo triệu chứng bụng trướng, bụng sôi, ngực đè ép khó thở, phải châm 3 huyệt này.

Vị trí huyệt Trung Phủ

Vị trí: Trung Phủ là huyệt vị nằm dưới cuối ngoài xương đòn gánh khoảng 01 thốn, giữa xương sườn 1 và 2 và cách đường giữa ngực 06 thốn.

Hình ảnh vị trí huyệt Trung Phủ
Hình ảnh vị trí huyệt Trung Phủ

Giải phẫu:

  • Sau khi giải phẫu cho thấy dưới da ở vị trí huyệt là cơ ngực to, cơ ngực bé, cơ răng cưa to và các cơ gian sườn 2. Thần kinh vận động các cơ gồm dây thần kinh ngực to, dây thần kinh ngực bé, dây thần kinh răng to của đám rối thần kinh ở nách và dây thần kinh gian sườn 2.
  • Da vùng huyệt được chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C4.

Chính vì thế, đây cũng là một huyệt nhạy cảm đối với các cơn đau ở bộ phận liên quan xung quanh.

Cách xác định huyệt Trung Phủ

Theo các chuyên gia, có 2 cách xác định và lấy huyệt như sau:

  • Cách 1: Để bệnh nhân nằm ngửa, cho hai tay chéo ra phía sau lưng, khi đó sẽ thấy phía dưới xương đòn, đầu ngoài có một hố lõm tam giác (chính giữa hố lõm là huyệt Vân Môn). Sau đó từ chính giữa hố lõm đó xuống (theo đường rãnh cơ đen ta và cơ ngực lớn) 1 thốn, vị trí nằm trên khe liên sườn 1 – 2 chính là huyệt Trung Phủ.
  • Cách 2: Để bệnh nhân nằm ngửa, sau đó tính từ đầu vú đo ra ngoài 2 thốn, rồi từ đó thẳng lên 3 gian sườn (khe liên sườn 1 – 2) là vị trí huyệt. Cách đo này chỉ dùng ở nam giới, không phù hợp với nữ giới.

Người bệnh hoàn toàn có thể tự xác định huyệt, tuy nhiên, để đảm bảo độ chính xác khi điều trị bệnh, bệnh nhân nên tìm đến các cơ sở châm cứu hoặc bấm huyệt uy tín, bác sĩ chuyên môn có kinh nghiệm.

Tác dụng huyệt Trung Phủ và cách phối huyệt trị bệnh

Tác dụng: Thanh tuyên thượng tiêu và sơ điều Phế khí.

Chủ trị: Trị ho, hen suyễn, ngực đau tức, vai/ lưng đau, viêm phế quản, lao phổi, mũi nghẹt, mồ hôi xuất.

Cách phối huyệt:

Trong sách y học cổ truyền, phối kết hợp huyệt Trung Phủ với các huyệt vị khác nhau giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh. Cụ thể trong một số sách y cổ lưu lại một số cách phối huyệt như sau:

  • Phối với huyệt Âm Giao (Nh.7) trị họng đau, ngực đầy tức, nóng lạnh tay chân (Thiên Kim Phương).
  • Phối với huyệt Thiên Xu (Vi.25) trị ngực đau tức (Châm Cứu Tụ Anh).
  • Phối với huyệt Hiếp Đường và huyệt Phách Hộ (Bq.42) trị chứng ngực đầy tức (Châm Cứu Tụ Anh).
  • Phối với huyệt Dương Giao (Đ.35) trị viêm cứng họng (Châm Cứu Tụ Anh).
  • Phối với huyệt Ý Xá (Bq.49) trị chứng hen suyễn (Bách Chứng Phú).
  • Phối với huyệt Chiên Trung (Nh.17), huyệt Định Suyễn và huyệt Nội Quan (Tb.6) trị hen suyễn (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Khổng Tối (P.6) và huyệt Phế Du (Bq.13) trị hen suyễn hoặc khí quản viêm mạn (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối huyệt Kết Hạch Huyệt, huyệt Phế Du (Bq.13) và huyệt Phế Nhiệt Huyệt trị lao phổi (Châm Cứu Học Thượng Hải).

Ứng dụng huyệt Trung Phủ trong trị liệu

Huyệt Trung Phủ thường được ứng dụng trong trị liệu một số bệnh thường gặp sau:

Trị ho và tức ngực

Trong lồng ngực có các cơ quan là phế quản, phổi (hai lá phổi, màng phổi), tim, động tĩnh mạch liên quan đến phổi, tim (động tĩnh mạch). Lồng ngực còn là nơi có thực quản đi qua (nằm sau xương ức) để xuống dạ dày. Do đó bị ho kèm theo biểu hiện đau tức ngực có thể  đang mắc một số bệnh lý như: Trào ngược dạ dày, bệnh về hô hấp, bệnh tim, phổi,…

Bấm huyệt Trung Phủ giúp giảm nhanh các cơn ho kèm chứng đau tức ngực
Bấm huyệt Trung Phủ giúp giảm nhanh các cơn ho kèm chứng đau tức ngực

Khi có dấu hiệu ho, tức ngực người bệnh có thể hoàn toàn áp dụng cách bấm huyệt Trung Phủ để trị bệnh.

Cách thực hiện như sau: Xác định vị trí huyệt sau đó dùng ngón tay cái day ấn với lực đạo vừa phải lên vùng huyệt.

Với cách bấm huyệt này, người bệnh áp dụng khi xuất hiện triệu chứng bệnh sẽ giúp giảm nhanh tình trạng đau tức, khó chịu. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp hỗ trợ giảm triệu chứng nếu các cơn ho và tức ngực kéo dài, tần suất cao, người bệnh không nên chủ quan mà cần thăm khám, điều trị kịp thời.

Trị đau thần kinh liên sườn

Dấu hiệu bệnh đau thần kinh liên sườn là tình trạng từ ngực cho đến một bên bụng đột nhiên bị đau dữ dội. Cơn đau gia tăng khi bệnh nhân thay đổi tư thế, hít thở sâu, ho, hắt hơi hoặc vận động. Các triệu chứng bệnh khiến người bệnh khó chịu và có thể báo hiệu cơ thể đang mắc một số bệnh lý như: Bệnh tim phổi, lao cột sống, thoái hóa cột sống, đau dạ dày – tá tràng,…

Khi cơ thể xuất hiện dấu hiệu đau thần kinh liên sườn có thể tác động lên huyệt Trung Phủ. Cách trị bệnh này giúp tiêu trừ cảm giác đau đớn khu vực từ bả vai đến ngực.

Cách thực hiện:

  • Để người bệnh nằm ngửa; người tiến hành thực hiện trị liệu quỳ bên cạnh.
  • Khi bấm huyệt thì chồm về phía trước hai bàn tay nắm chặt hai vai, đầu hai ngón tay cái cùng lúc ấn mạnh lên huyệt Trung phủ ở hai bên vai của người bệnh.
  • Thực hiện day ấn huyệt với lực vừa phải trong khoảng từ 30 giây đến 1 phút các triệu chứng đau tức ngực giảm dần.

Trị chứng khó thở

Khó thở có thể do khó thở do tim, khó thở do phổi, hay do hen phế quản hoặc một số nguyên nhân khác gây ra. Khi có dấu hiệu tức ngực khó thở, hơi thở yếu người bệnh có thể bấm huyệt, tự day ấn các huyệt có tác dụng tốt cho nhịp tim để trị liệu. Thông thường, người bị khó thở nên kết hợp bấm huyệt Chiên Trung và huyệt Trung Phủ.

Vị trí huyệt Chiên Trung và huyệt Trung Phủ trên cơ thể
Vị trí huyệt Chiên Trung và huyệt Trung Phủ trên cơ thể

Cách thực hiện: Xác định vị trí các huyệt, trong đó huyệt Chiên trung nằm ở giữa ngực, giữa hai cái núm vú. Sau đó dùng ngón tay cái, có thể ấn qua áo, day bấm các huyệt, bấm huyệt mỗi khi tức ngực khó thở, gây khó chịu, mệt mỏi.

Điều trị cảm cúm

Cúm hay cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các loại virus cúm gây ra. Thông thường bệnh kéo dài từ 7 – 10 ngày, sau đó bình phục hoàn toàn. Mùa dịch bệnh thường rơi vào mùa thu hoặc mùa đông.

Dấu hiệu bệnh khi mới bắt đầu là cơ thể sẽ cảm thấy ớn lạnh, mệt mỏi, phát sốt. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn sẽ xuất hiện các triệu chứng như: Hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, ho, đau rát họng, khan tiếng, tắc tiếng, đau đầu, sốt cao, cơ thể mệt mỏi, ăn không ngon, buồn nôn, kiết lỵ,… Nếu bệnh cảm cúm biến chứng thành ác tính sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh.

Để khắc phục tình trạng bệnh cảm cúm, có thể áp dụng cách ấn lên huyệt Trung Phủ và huyệt Khổng Tối (trên cẳng tay). Thực hiện day ấn hai huyệt này hàng ngày dấu hiệu ho, khó thở, hắt hơi, sổ mũi sẽ giảm nhanh chóng.

Trị lãnh cảm ở phụ nữ

Lãnh cảm là tình trạng suy giảm ham muốn tình dục ở phụ nữ. Khi đó người bị lãnh cảm không còn cảm thấy có hứng thú hoặc mất đi hưng phấn khi ân ái, thậm chí là sợ hãi khi quan hệ. Tình trạng này kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình.

Vì vậy, để vực lại hạnh phúc của chính mình chị em phụ nữ có thể bỏ túi ngay cách bấm huyệt Trung Phủ chữa lãnh cảm. Khi thường xuyên day ấn, massage huyệt có tác dụng thông thuận kinh mạch của phổi, nở ngực, đẩy mạnh tuyến dịch lim-ba (bạch huyết) tuần hoàn. Từ đó giúp khí huyết lưu thông, kích thích ham muốn “yêu” cho phụ nữ.

Day ấn huyệt thường xuyên có thể hỗ trợ điều trị chứng lãnh cảm ở phụ nữ
Day ấn huyệt thường xuyên có thể hỗ trợ điều trị chứng lãnh cảm ở phụ nữ

Lưu ý: Phương pháp này tuy khá hiệu quả nhưng không phải giải pháp tối ưu nhất. Bởi đây chỉ là giải pháp phù hợp với những trường hợp bị lãnh cảm nhẹ. Nếu tình trạng lãnh cảm nặng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám và có giải pháp điều trị phù hợp.

Lưu ý khi tác động lên huyệt Trung Phủ

Một số lưu ý khi châm cứu, bấm huyệt giúp mang lại hiệu quả điều trị bệnh cao là:

  • Cần thực hiện đúng thao tác châm cứu: Châm thẳng hoặc châm xiên hướng kim ra ngoài, lên trên, sâu 05 – 1 thốn; Cứu 3 – 5 trán; Ôn cứu trong khoảng 5 – 10 phút. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ/ thầy thuốc hỗ trợ trị liệu.
  • Khi bấm huyệt cần xác định đúng vị trí, thực hiện đúng thao tác và day ấn với lực đạo vừa phải.
  • Nên tác động lên huyệt vị trong thời gian dài mới mang lại hiệu quả trị bệnh cao.
  • Nếu bấm huyệt/ châm cứu không mang lại hiệu quả, người bệnh nên đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời.

Vị trí Huyệt Trung Phủ có ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng trong cơ thể. Do đó khi tác động lên huyệt vị người bệnh cần hết sức chú ý. Nếu không đảm bảo được đúng thao tác tốt nhất nên tìm đến cơ sở y tế uy tín để trị liệu.

Tham khảo thêm

The post Huyệt Trung Phủ: Tổng quan và một số ứng dụng trong trị liệu appeared first on Đông Phương Y Pháp.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Top 12 Thuốc Đông Trùng Hạ Thảo Được Ưa Chuộng Hàng Đầu

Xơ Vữa Động Mạch Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân, Cách Điều Trị

Viện Cấy Chỉ Hải Thượng Lãn Ông Có Tốt Không? Dịch Vụ Cung Cấp