Đau nhức xương khớp ở người già và những điều cần biết
Đau nhức xương khớp ở người già không chỉ làm hạn chế các hoạt động sinh hoạt thường ngày của người cao tuổi mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng đau nhức kéo dài sẽ trở thành tổn thương vĩnh viễn, dẫn tới suy giảm chức năng vận động và thậm chí là tàn phế.
Tổng quan tình trạng đau nhức xương khớp ở người già hiện nay
Đau nhức xương khớp là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp nhất ở người cao tuổi. Thống kê cho thấy có tới 60% người mắc bệnh xương khớp ở độ tuổi ngoài 60 và tỷ lệ này có xu hướng tăng dần theo tuổi tác.
Các cơn đau nhức xương có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên, thống kê ghi nhận vị trí khớp thường xuyên xảy ra đau nhức nhất ở người già là khớp gối (chiếm khoảng 30% người bệnh), sau đó là các khớp cột sống, khớp tay và khớp hông với tỷ lệ tương đối ngang bằng, dao động xung quanh mức 20%.
Tình trạng đau nhức xương khớp thường xuyên không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn có thể gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm. Bởi vậy, người cao tuổi không nên âm thầm chịu đựng cơn đau mà cần áp dụng các biện pháp chăm sóc và điều trị phù hợp để bảo vệ sức khỏe xương khớp, phòng tránh nguy cơ suy giảm vận động và tàn tật.
Triệu chứng đau nhức xương khớp ở người già
Tình trạng đau xương khớp ở người già có thể biểu hiện với nhiều triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Các dấu hiệu điển hình nhất có thể kể đến như:
- Đau nhức: tình trạng đau nhức ban đầu có thể ở mức độ nhẹ hoặc thoáng qua rồi tăng dần theo thời gian, thường rõ rệt nhất khi thời tiết thay đổi hoặc khi vận động nhiều.
- Sưng đỏ, nóng khớp: đau nhức xương khớp do viêm nhiễm thường đi kèm triệu chứng sưng, nóng xung quanh vị trí khớp. Khi chạm tay vào có thể thấy đau dữ dội.
- Tê buốt tay, chân: nhức mỏi đi kèm với tê buốt tay chân khiến cho việc cầm nắm, đi lại của người cao tuổi trở nên khó khăn.
- Cứng khớp: triệu chứng này thường xuất hiện sau khi nghỉ ngơi hoặc ngồi một chỗ quá lâu. Điển hình nhất là tình trạng cứng khớp vào sáng sớm sau khi thức dậy. Người bệnh phải mất thời gian xoa bóp, làm nóng mới có thể vận động bình thường.
- Khớp phát ra âm thanh “lục cục” khi chuyển động: đây là hiện tượng thường gặp ở người cao tuổi. Nguyên nhân nảy sinh là do sụn bị bào mòn, làm cho các khớp lỏng lẻo và ma sát nhiều với nhau tạo ra âm thanh mỗi khi chuyển động.
- Các triệu chứng khác: đau nhức xương ngoài ra còn thường đi kèm với hiện tượng da tại vị trí khớp trở nên xanh, tái, khi sờ vào thấy lạnh. Người bệnh suy giảm khả năng vận động, mệt mỏi và suy nhược.
Nguyên nhân gây đau khớp ở người già
Để việc điều trị đi đúng hướng và đạt được hiệu quả tích cực, bước đầu cần xác định chính xác nguyên nhân gây đau khớp ở người già. Cơn đau có thể xuất phát từ các nguyên nhân rất đa dạng, nhưng nhìn chung có thể quy về 2 nhóm chính là nguyên nhân cơ giới và nguyên nhân bệnh lý.
Nguyên nhân cơ giới gây đau nhức xương khớp ở người già
Nguyên nhân cơ giới là nhóm nguyên nhân ít nguy hiểm hơn, chủ yếu liên quan tới quá trình lão hóa, thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng, chấn thương hay yếu tố di truyền.
- Ảnh hưởng của quá trình lão hóa: đây được coi là nguyên nhân cơ bản nhất gây đau nhức xương ở người già. Hệ thống xương khớp có xu hướng suy yếu dần theo thời gian. Tuổi càng cao, các sụn khớp càng suy giảm và cơ xương giảm độ linh hoạt khiến cho tình trạng tê cứng, ê mỏi và đau nhức xương khớp xuất hiện thường xuyên khi vận động hay mỗi khi thời tiết trái gió trở giời.
- Vận động quá nhiều hoặc quá ít: vận động quá nhiều làm tăng áp lực chèn ép và ma sát trong khi vận động quá ít làm suy giảm tuần hoàn máu tới các khớp và dễ gây co cứng khớp. Đặc biệt là đối với người già, sự linh hoạt của các khớp xương đã giảm sút nên ảnh hưởng của vận động hàng ngày lên hệ thống xương khớp ngày càng rõ rệt hơn.
- Chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh: thói quen thức khuya, sử dụng rượu bia, thuốc lá, ma túy hoặc thường xuyên căng thẳng cũng là các nhân tố làm gia tăng nguy cơ đau nhức xương khớp người già.
- Thiếu hụt dinh dưỡng: thói quen ăn uống không hợp lý từ thời trẻ, không đảm bảo các dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Đặc biệt là các trường hợp thiếu hụt canxi, vitamin D, omega 3 sẽ thúc đẩy quá trình lão hóa và làm tăng khả năng mắc các bệnh lý xương khớp khi về già.
- Thừa cân, béo phì: thừa cân – béo phì là một trong những nhân tố làm gia tăng nguy cơ bị đau nhức xương khớp. Trọng lượng cơ thể cao hơn so với thông thường gây áp lực chèn ép lớn lên các khớp, đặc biệt là khớp lưng và đầu gối. Nếu để kéo dài lâu ngày, các cơn đau sẽ chuyển biến thành mạn tính.
- Chấn thương: thoái hóa xương khớp khiến cho xương của người cao tuổi giòn và yếu đi nên rất dễ bị gãy, rạn. Quá trình hồi phục không chỉ mất nhiều thời gian mà còn khó có thể trở lại trạng thái ban đầu. Bởi vậy mà các cơn đau thường tái phát lại khi có các yếu tố kích thích như vận động nhiều, thời tiết lạnh, uống rượu bia…
Nguyên nhân bệnh lý
Tình trạng người già mắc bệnh xương khớp là không hiếm gặp. Một vài bệnh lý phổ biến nhất có thể kể đến như:
Thoái hóa khớp/viêm khớp
Thoái hóa xương khớp là hiện tượng tất yếu xảy ra ở người cao tuổi. Lớp đệm tự nhiên giữa các sụn khớp suy giảm, sụn khớp dần mất đi khiến cho hai đầu xương cọ xát vào nhau dẫn tới sưng, đau, mất sự linh hoạt và thậm chí có thể hình thành gai xương.
Viêm khớp dạng thấp (RA)
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý viêm khớp tự miễn mạn tính, thường gặp phải ở các khớp nhỏ và vừa. Phần lớn những người mắc bệnh là nữ giới trong độ tuổi từ 40-60.
Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp là do hệ thống miễn dịch rối loạn, nhận diện sai mục tiêu và tấn công vào chính các khớp của cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như dính khớp, biến dạng khớp.
Viêm bao hoạt dịch
Bao hoạt dịch là một túi nhỏ chứa dịch, đóng vai trò như một lớp đệm ở phần gân, xương và các cơ gần khớp, giúp cho việc cử động diễn ra được dễ dàng. Bao hoạt dịch bị viêm biểu hiện bằng tình trạng sưng đỏ, phù nề, gây ra triệu chứng đau và cứng khớp.
Nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch tăng dần theo tuổi tác và thường xuất hiện ở nhóm đối tượng có tính chất công việc phải vận động nhiều, thao tác vận động lặp đi lặp lại.
Viêm gân xương bánh chè
Xương bánh chè là một đoạn xương nhỏ dạng hình tròn, nằm phía trước khớp gối. Xương này có khả năng di chuyển lên xuống, nghiêng và xoay; đóng vai trò hỗ trợ chân đi đứng. Gân xương bánh chè được cấu tạo bởi các sợi cơ rất khỏe, bền và dai. Nếu gân này bị viêm nhiễm, khớp gối sẽ đau nhức và sưng tấy.
Bệnh Gút
Bệnh gút do rối loạn chuyển hóa axit uric có triệu chứng điển hình là viêm khớp. Các cơn đau thường xuất hiện giữa đêm và vùng khớp có dấu hiệu sưng đỏ khi các đợt viêm cấp bùng phát. Bệnh gút nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra biến dạng khớp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới thẩm mỹ và chức năng vận động.
Bên cạnh các bệnh lý phổ biến trên, đau nhức xương khớp ở người già còn có thể là hệ quả của nhiều bệnh xương khớp khác như đau thần kinh tọa, bệnh giả gút, hội chứng dải chậu chày, viêm khớp nhiễm khuẩn…
Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng các nhân nhầy của đĩa đệm ở cột sống bị chuyển dịch ra khỏi phạm vi sinh lý của nó, xuyên qua dây chằng và chèn ép vào các dây thần kinh gây tê bì, đau nhức. Cơn đau có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào của cột sống, từ cổ tới thắt lưng và lan xuống chân. Thoát vị đĩa đệm xảy ra phổ biến ở những người trong độ tuổi từ 30-60.
Loãng xương
Loãng xương là tình trạng xương liên tục bị mất mật độ và mỏng dần, ngày càng trở nên giòn, xốp và dễ gãy. Loãng xương là bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi, đặc biệt là nữ giới. Thống kê ghi nhận có khoảng ⅓ số phụ nữ và ⅛ số nam giới trên 50 tuổi có nguy cơ loãng xương.
Đau xương khớp ở người già có nguy hiểm không?
Đau nhức xương khớp là hệ quả tất yếu của quá trình lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, đây là vấn đề có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và sức khỏe của người cao tuổi, đặc biệt là ở các trường hợp đau nhức do bệnh lý.
Các ảnh hưởng thường thấy nhất mà tình trạng đau xương khớp gây ra cho người cao tuổi là:
- Mất ngủ: đau nhức xương khớp có thể làm cho tình trạng khó ngủ và ngủ không ngon ở người già trở nên trầm trọng hơn. Việc thiếu ngủ sau đó lại trở thành nguyên nhân làm gia tăng các cơn đau nhức, khiến cho người bệnh vô cùng mệt mỏi và suy nhược.
- Té ngã: người cao tuổi mắc bệnh xương khớp có nguy cơ bị té ngã hoặc chấn thương cao gấp 2,5 lần so với người trẻ. Khả năng hồi phục hoàn toàn sau chấn thương cũng thấp hơn, quá trình hồi phục diễn ra chậm chạp. Người già sau đó thường có tâm lý sợ ngã, vì vậy mà hạn chế vận động dẫn tới tình trạng đau mỏi và căng cứng khớp ngày càng trở nên nghiêm trọng.
- Ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày: đau nhức xương khớp làm hạn chế khả năng vận động của người cao tuổi. Đôi khi, các hoạt động căn bản nhất như vệ sinh cá nhân, làm việc nhà cũng có thể trở nên hết sức khó khăn.
- Tăng cân: người già bị đau nhức xương khớp thường có xu hướng ngại vận động và tập luyện thể thao. Điều này dễ khiến họ bị tăng cân, làm cho các triệu chứng của bệnh xương khớp trở nên trầm trọng hơn, đồng thời cũng gia tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý nguy hiểm khác như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp…
- Trầm cảm: vào năm 2010, các nhà khoa học đã tiến hành một nghiên cứu để tìm hiểu về mối liên hệ giữa bệnh xương khớp và tình trạng sức khỏe tâm thần của con người. Kết quả thu được cho thấy các cơn đau nhức xương có khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tâm thần. Dấu hiệu trầm cảm được ghi nhận ở hơn 40% những người tham gia nghiên cứu.
- Biến chứng bệnh xương khớp: đau nhức xương khớp ở người cao tuổi nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm như biến dạng khớp, chảy máu khớp, nhiễm trùng khớp, hoại tử xương… làm suy giảm chức năng vận động và thậm chí gây tàn phế.
Điều trị đau nhức xương khớp ở người già
Cùng với tuổi tác, hệ thống xương khớp của người già ngày càng suy yếu nên việc trị bệnh thường gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu điều trị cũng chỉ dừng lại ở mức cải thiện và duy trì chứ không thể phục hồi hoàn toàn chức năng xương khớp.
Đau nhức xương do nguyên nhân cơ giới ở người cao tuổi có thể khắc phục hiệu quả bằng điều chỉnh lối sống, tập luyện, giảm cân… Đây cũng được coi là các biện pháp nên ưu tiên áp dụng cho người cao tuổi trước khi sử dụng tới thuốc điều trị.
Với các trường hợp đau do bệnh lý, thông thường cần điều trị bằng thuốc. Biện pháp phẫu thuật có thể được cân nhắc tới trong một vài tình huống bắt buộc.
Các biện pháp điều trị không dùng thuốc
Các biện pháp chăm sóc tại nhà như tập thể dục, vật lý trị liệu, xoa bóp bấm huyệt, tăng cường dinh dưỡng… giúp cải thiện đáng kể tình trạng đau nhức xương từ nhẹ tới vừa. Đồng thời cũng rất hữu ích trong việc cải thiện triệu chứng ở các trường hợp nặng.
- Điều chỉnh thói quen vận động: vận động quá ít hay quá nhiều đều có thể khiến cho các cơn đau nhức xương khớp gia tăng. Vì vậy, người cao tuổi nên sắp xếp thời gian vận động và nghỉ ngơi hợp lý, không nên nằm ngồi quá nhiều nhưng cũng không nên làm việc nặng hoặc đi lại quá thường xuyên.
- Tạo thói quen tập thể dục thể thao: bên cạnh các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, người cao tuổi nên chọn các môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với tình hình sức khỏe như đi bộ, khiêu vũ thể thao, tập dưỡng sinh… Tập luyện thường xuyên với cường độ hợp lý giúp ngăn ngừa đau nhức xương và làm chậm quá trình lão hóa hiệu quả.
- Vật lý trị liệu: vật lý trị liệu giúp giải quyết tình trạng viêm, đau, duy trì tầm vận động khớp, tăng sức mạnh, sức bền cho các nhóm cơ giữ khớp. Tập luyện các bài vật lý trị liệu nhẹ nhàng là phương pháp phục hồi chức năng cho người cao tuổi được các bác sĩ khuyến khích áp dụng.
- Tăng cường dinh dưỡng: ăn uống đủ chất và chú trọng bổ sung canxi là biện pháp cơ bản để phòng ngừa và kiểm soát tình trạng đau nhức xương khớp. Chế độ ăn của người cao tuổi nên tăng cường các loại thực phẩm giàu canxi, omega 3 và các loại rau xanh như súp lơ, rau cải xanh, rau chân vịt… để bảo vệ sức khỏe xương khớp và kiểm soát các triệu chứng viêm.
- Chườm nóng: chườm nóng giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, làm giãn không gian trong ổ khớp, từ đó cải thiện được tình trạng đau nhức. Người cao tuổi có thể áp dụng biện pháp này mỗi khi các triệu chứng khó chịu xuất hiện. Bên cạnh đó, nên chườm trước khi đi ngủ để hạn chế tình trạng căng cứng khớp vào buổi sáng hôm sau.
- Xoa bóp, bấm huyệt: Phương pháp xoa bóp bấm huyệt là biện pháp trị liệu của YHCT, có khả năng cải thiện cơn đau và hỗ trợ điều trị các bệnh lý xương khớp rất hiệu quả. Tuy nhiên, trị liệu bằng bấm huyệt có phù hợp hay không còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý và sức khỏe tổng thể. Các bệnh nhân cao tuổi vì vậy nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng biện pháp điều trị này.
- Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ: trong các trường hợp cần thiết, người cao tuổi có thể sử dụng tới gậy chống hay đai, nẹp để cố định và bảo vệ các vùng khớp bị tổn thương. Phương pháp này giúp cải thiện hiệu quả các cơn đau mạn tính nhờ khả năng ổn định cấu trúc xương khớp, giảm áp lực chèn ép lên các dây thần kinh, dây chằng và các bộ phận xung quanh.
- Giảm cân: người cao tuổi bị thừa cân nên xây dựng chế độ ăn kiêng để đưa cân nặng về mức hợp lý. Giảm cân không chỉ giúp cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp mà còn có ích trong việc nâng cao khả năng miễn dịch và phòng ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Điều trị bằng thuốc khi cần thiết
Trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp giảm đau tại nhà mà không đạt được kết quả tốt, có thể cân nhắc tới việc sử dụng thuốc.
Việc sử dụng thuốc điều trị bệnh xương khớp ở người già cần hết sức thận trọng và tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ. Các nhóm thuốc có thể được kê đơn bao gồm:
- Thuốc bôi: Capsaicin và NSAIDs tại chỗ là 2 loại thuốc bôi được sử dụng phổ biến nhất để kiểm soát các cơn đau nhức xương khớp do viêm khớp. Khi sử dụng 2 loại thuốc này cho người cao tuổi, cần hết sức chú ý để phòng tránh nguy cơ gây bỏng hoặc kích ứng da.
- Thuốc uống: bao gồm các loại thuốc giảm đau và chống viêm như paracetamol, NSAID, Tramadol, Duloxetine. Chức năng gan, thận ở người cao tuổi đã suy giảm nên việc sử dụng thuốc uống cần chính xác liều lượng và được theo dõi sát sao để phòng ngừa các tác dụng phụ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
- Thuốc tiêm nội khớp: điều trị bằng thuốc tiêm nội khớp là phương pháp được sử dụng ở mức độ rất hạn chế khi điều trị đau nhức xương khớp ở người già. Các loại thuốc tiêm được sử dụng rộng rãi nhất là steroid và corticosteroid.
Bên cạnh thuốc Tây, điều trị bằng thuốc Đông y là biện pháp hiện nay đang được rất nhiều người bệnh tin tưởng tìm đến. Mặc dù phát huy tác dụng chậm hơn nhưng thuốc Đông y lại là giải pháp trị bệnh xương khớp an toàn và triệt để. Đặc biệt với người cao tuổi sức khỏe yếu, việc sử dụng thuốc Tây tiềm ẩn nhiều rủi ro thì thuốc Đông y chính là lựa chọn thích hợp. Không chỉ giúp cải thiện bệnh mà còn tăng cường khả năng miễn dịch và nâng cao sức khỏe tổng thể nói chung.
Điều trị đau nhức xương khớp ở người già bằng phẫu thuật
Khi các cơn đau nhức đã ở mức độ nghiêm trọng, không thể khắc phục được bằng điều chỉnh lối sống và dùng thuốc, bệnh nhân cao tuổi có thể được chỉ định thực hiện phẫu thuật.
Các phương pháp phẫu thuật xương khớp thường được thực hiện ở người cao tuổi bao gồm: nội soi khớp, cắt xương chày cao, phẫu thuật thay thế khớp… Sau phẫu thuật, các phương pháp vật lý trị liệu sẽ được áp dụng để giúp người cao tuổi nhanh chóng phục hồi chức năng và vận động bình thường trở lại.
Đau nhức xương khớp ở người già là hệ quả tất yếu của quá trình lão hóa. Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn có thể được phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả bằng một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lối sống lành mạnh. Khi các dấu hiệu đau nhức xuất hiện, người bệnh không nên âm thầm chịu đựng mà cần sớm tới các cơ sở y tế thăm khám để phát hiện bệnh sớm, giúp quá trình điều trị và phục hồi diễn ra thuận lợi.
Xem thêm:
The post Đau nhức xương khớp ở người già và những điều cần biết appeared first on Đông Phương Y Pháp.
Nhận xét
Đăng nhận xét