Huyệt Nhĩ Tiêm: Vị trí Và Tác Dụng Chữa Bệnh
Huyệt Nhĩ Tiêm là huyệt đạo nằm ở vành tai có tác dụng điều trị nhiều bệnh lý về mắt như đau mắt hột, viêm kết mạc, mộng thịt, mắt có nhiều màng, sốt cao… Cùng tìm hiểu kỹ hơn về vị trí và tác dụng của huyệt đạo này ngay dưới đây.
Tổng quan về huyệt Nhĩ Tiêm
Ý nghĩa tên gọi của huyệt đạo này như sau: “Nhĩ” tức là tai, “Tiêm” tức là phần chóp đỉnh. Tên gọi Nhĩ Tiêm được hiểu là huyệt đạo nằm ở phần đỉnh chóp của loa tai. Đây là huyệt đạo thuộc vào kỳ huyệt.
Về vị trí:
Huyệt đạo này nằm trên đỉnh tai, ở phần chóp của loa tai. Để xác định đúng huyệt đạo, tiến hành gấp vành tai về phía trước, điểm cao nhất nằm ở chóp nhọn của hai nửa vành tai khi gấp vào chính là huyệt đạo Nhĩ Tiêm.
Về giải phẫu:
Huyệt đạo này chính là phần sụn vành tai. Vùng da dưới huyệt được chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Tác dụng chữa bệnh:
Huyệt đạo Nhĩ Tiêm được biết đến với những tác dụng chữa bệnh về mắt như đau mắt hột, mộng thịt ở mắt, viêm kết mạc, mắt có nhiều màng. Ngoài ra huyệt đạo này còn giúp trị chứng sốt cao.
Theo sách “Ngân hải tinh vi” ghi lại: Để trị chứng đau mắt, đau giữa đầu hoặc đau nửa đầu cần cứu các huyệt sau: Nhĩ Tiêm 2 huyệt, Bách Hội 1 huyệt, Lâm khấp 2 huyệt, Tứ Thần Thông 4 huyệt, Thính Hội 2 huyệt, Phong trì 2 huyệt, Thái Dương 2 huyệt, Quang Minh 2 huyệt.
Sách “Châm cứu kinh ngoại kỳ huyệt trị liệu quyết” cũng ghi lại: Nhĩ tiêm chủ trị mắt có màng ế, đau mắt hột – Cứu 5 hột. Bệnh đau mắt dài ngày không khỏi, mắt sưng đỏ – Châm ra huyết, cứu 7 lửa đúng vị trí này, không được tiến hành cứu quá nhiều lần.
Sách “Châm cứu khổng huyệt cập kỳ liệu pháp tiện lãm” ghi lại: Huyệt đạo Nhĩ tiêm được xếp vào kỳ huyệt nằm trên đỉnh mút của vành tai, để tìm điểm huyệt uốn cong tai lại. Huyệt này chủ trị mắt màng ế, đau mắt hột – Châm vào 1 phân, cứu 3 đến 5 lửa.
Cách châm huyệt đạo Nhĩ Tiêm chữa chắp, lẹo mắt
Để điều trị chứng chắp, lẹo ở mắt có thể tiến hành châm cứu vào huyệt đạo này ở vành tai giúp mang lại kết quả tốt.
Chỉ định châm cứu Nhĩ Tiêm trong trường hợp chắp, lẹo còn mới, chưa bị mưng mủ, “chưa chín” và chưa được bác sĩ chỉ định ngoại khoa.
Xác định vị trí huyệt bằng cách gập vành tai về phía trước, trên đỉnh cao nhất của vành tai chính là huyệt đạo nhĩ tiêm cần châm cứu.
Kỹ thuật châm cứu Nhĩ Tiêm như sau:
- Cố định phần vành tai đã gập lại về phía trước để xác định đúng vị trí của huyệt.
- Thực hiện sát trùng, khử khuẩn tại vị trí huyệt đạo này theo đúng kỹ thuật.
- Dùng kim châm vào huyệt theo phương thẳng độ sâu chừng 1 mm. (Lưu ý rằng không tiến hành châm sâu vào sụn vành tai).
- Rút kim châm khỏi huyệt, nặn ra 1 – 2 giọt máu.
- Tiến hành sát trùng vô khuẩn lại ở đúng vị trí huyệt đạo.
- Liệu trình châm cứu như sau: Mỗi ngày châm 1 – 2 lần, giữa 2 lần cách nhau chừng 6 tiếng. Tiến hành châm từ 1 – 2 ngày sẽ khỏi.
- Có thể phối hợp thêm với thuốc nhỏ mắt Cloramphenicol 0,4%.
- Trong quá trình điều trị cần hạn chế ăn đồ ngọt.
Chú ý: Khu vực vành tai không chỉ có da, sụn mà còn rất nhiều mạch máu và dây thần kinh. Chính vì thế khi châm cứu nếu không thực hiện sát khuẩn đúng quy trình dễ bị nhiễm trùng, khi đó vành tai sẽ khó liền và dẫn tới biến chứng. Vì thế việc vô trùng, sát khuẩn khi châm cứu là đặc biệt quan trọng.
Ngoài ra việc châm cứu Nhĩ Tiêm không thể tự thực hiện tại nhà mà cần được các chuyên gia có trình độ, trải đã qua đào tạo tiến hành để đảm bảo chuẩn xác quy trình, tránh gây ra các sai lệch hoặc biến chứng.
Trên đây là những thông tin tổng quát nhất về huyệt Nhĩ Tiêm và các tác dụng chữa bệnh của huyệt đạo này. Hi vọng bài viết đã giúp bạn có những hiểu biết chi tiết về huyệt đạo Nhĩ Tiêm. Để biết thêm về nhiều huyệt đạo khác trên cơ thể hãy theo dõi những bài viết tiếp theo của chúng tôi.
The post Huyệt Nhĩ Tiêm: Vị trí Và Tác Dụng Chữa Bệnh appeared first on Đông Phương Y Pháp.
Nhận xét
Đăng nhận xét