Vị Trí Và Công Dụng Bất Ngờ Của Huyệt Khích Môn
Là một trong những huyệt đạo quan trọng trên cơ thể song ít người biết được vị trí cũng như công dụng của huyệt Khích Môn. Để tìm hiểu rõ hơn về huyệt đạo này, mọi người cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Huyệt Khích Môn là gì?
Nằm giữa hai khe (khích) xương,vị trí giao của hai cơ gan tay bé và lớn nên huyệt có tên gọi là Khích Môn. Trong đó, “Khích” mang ý nghĩa “chỗ xương thịt giáp nhau, khe hổ”, còn “Môn” có nghĩa là “chiếc cổng”. Huyệt được so sánh như một chiếc cổng, qua đó khí huyết ra vào. Vì thế mà có tên Khích Môn. Trong khi đó, theo ghi chép của “Hội nguyên”, từ đường kinh khe khích vào giữa phân nhục, hai gân kẹp vào nhau đối xung như dạng của cửa, do đó gọi là Khích Môn.
Xác định chính xác vị trí của huyệt Khích Môn
Có xuất xứ từ Giáp Ất Kinh, huyệt Khích Môn nằm trên khớp cổ tay 5 thốn, ở giữa hai khe cơ ban tay lớn và bé. Một cách khác giúp xác định vị trí huyệt đạo là:
- Lật ngược bàn tay vào cẳng tay sẽ lộ ra khe cơ.
- Huyệt giữa hai khe cơ gan tay lớn và bé, phía trên khớp cổ tay 5 thốn chính là huyệt Khích Môn.
Về giải phẫu, dưới da là khe giữa cơ gan tay lớn với cơ gan tay nhỏ, cơ gấp dài ngón tay cái, cơ gấp chung sâu và nông, khe giữa xương trụ và xương quay. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh giữa với dây thần kinh trụ.
Những tác dụng hỗ trợ trị bệnh của huyệt Khích Môn
Theo y học cổ truyền, huyệt Khích Môn có tác dụng định tâm, lương huyết và an thần. Chủ trị của huyệt là: Trị cơ tim viêm, màng ngực viêm, vùng trước tim đau, tuyến vú viêm và thần kinh suy nhược.
Bên cạnh đó, huyệt đạo này có thể phối cùng một số huyệt vị khác để trị một số bệnh như:
- Phối cùng huyệt Đại Lăng và huyệt Khúc Trạch: Giúp trị tim đau (Theo Thiên Kim Phương).
- Kết hợp cùng huyệt Tam Dương Lạc và huyệt Khúc Trì: Có tác dụng trị nôn ra máu (Theo Châm Cứu học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Nội Quan và huyệt Khúc Trạch: Giúp trị thấp tim (Theo Châm Cứu học Thượng Hải).
Cách châm cứu huyệt Khích Môn an toàn, hiệu quả
Trong y học cổ truyền, để huyệt Khích Môn phát huy hết công dụng chữa bệnh, người ta sử dụng phương pháp châm cứu. Cách thực hiện như sau:
- Việc làm đầu tiên là phải xác định chính xác vị trí của huyệt đạo.
- Sau đó châm thẳng vào vị trí huyệt, sâu từ 1 – 1.5 thốn. Tại vị trí châm sẽ có cảm giác căng tức, tương tự điện giật các ngón tay.
- Cứu từ 5 – 7 lửa.
- Ôn cứu trong khoảng từ 5 – 15 phút.
Những điều cần lưu ý khi châm cứu huyệt đạo
Châm cứu là phương pháp điều trị bằng cách dùng kim bằng kim loại mỏng xuyên qua da, sau đó được kích hoạt thông qua chuyển động của bàn tay người thực hiện hoặc kích thích điện. Khi kim đưa vào huyệt sẽ tạo ra cảm giác đau nhức. Tuy nhiên, để quá trình châm cứu an toàn, hiệu quả, cần lưu ý những vấn đề sau:
- Châm cứu không phải là phương pháp trị liệu dành cho tất cả mọi người. Với những người không đảm bảo sức khỏe, tuyệt đối không châm cứu.
- Tuyệt đối không tự ý châm cứu tại nhà khi chưa có kiến thức về phương pháp này. Việc đặt kim không đúng cách có thể gây đau đớn khi điều trị. Thêm nữa, xác định sai vị trí huyệt đạo cũng có thể dẫn đến nguy hiểm nhất định.
- Phụ nữ mang thai cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện châm cứu.
- Không nên châm cứu khi bụng đang đói hoặc vừa ăn quá no.
- Cũng như bấm huyệt, trước khi châm cứu phải giữ tinh thần thật thoải mái.
- Bệnh nhân không nên sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, cà phê, rượu, bia… trước khi tiến hành châm cứu.
- Những người có cơ địa nhạy cảm, bị tiểu đường, suy hô hấp,huyết áp, nhồi máu cơ tim cần tham vấn chuyên gia trước khi châm cứu.
- Bệnh nhân gặp chấn thương ở lưng, cổ, vai, gáy, hay bị viêm nhiễm, lở loét… cũng không nên châm cứu.
- Một điều cần lưu ý nữa là không được dựa vào chẩn đoán bệnh của những người hành nghề châm cứu. Chỉ nhận chẩn đoán từ bác sĩ chuyên khoa.
- Khi tiến hành châm cứu, tốt nhất nên lựa chọn một bác sĩ châm cứu đã được cấp phép.
- Sau khi châm cứu, bệnh nhân nên ở lại cơ sở y tế từ 15 – 20 phút để theo dõi phản ứng của cơ thể. Về nhà, bệnh nhân tiếp tục cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Trong vòng 1 – 2 ngày đầu, bệnh nhân không nên vận động mạnh hay vác đồ vật nặng. Thay vào đó, người bệnh có thể tập các bài vận động nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng.
- Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị, vì vậy bệnh nhân sau châm cứu nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Bệnh nhân nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin như hạt óc chó, đậu nành, bông cải xanh, đậu Hà Lan, trứng, cá, thịt bò, cua…
- Để sớm bình phục, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm có tính chất chống viêm vào chế độ ăn hàng ngày như dứa, hành tây, nho… Các loại thực phẩm giàu canxi như sữa, đậu, cá biển, tôm…cũng rất tốt cho bệnh nhân sau châm cứu.
Như vậy, có thể thấy huyệt Khích Môn không được nhiều người biết đến nhưng lại có nhiều công dụng với sức khỏe. Hiểu rõ về huyệt đạo này sẽ giúp mọi người lựa chọn được phương pháp trị bệnh phù hợp.
The post Vị Trí Và Công Dụng Bất Ngờ Của Huyệt Khích Môn appeared first on Đông Phương Y Pháp.
Nhận xét
Đăng nhận xét