Nguyên Tắc Và Bài Tập Phục Hồi Chức Năng Rách Chóp Xoay Vai
Rách chóp vai là một trong những bệnh lý thường gặp liên quan đến cơ xương khớp, không chỉ gây đau nhức, yếu cơ mà còn làm giảm khả năng vận động, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, thậm chí tăng nguy cơ gặp biến chứng nếu không được xử lý từ sớm. Ngoài biện pháp điều trị, bác sĩ còn chỉ định bệnh nhân áp dụng các phương pháp phục hồi chức năng rách chóp xoay vai để nhanh chóng ổn định tình hình sức khỏe, dễ dàng di chuyển, sinh hoạt.
Mục đích phục hồi chức năng rách chóp xoay vai
Chóp vai là tổ hợp của khớp vai, gồm gân cơ trên gai, gân cơ dưới gai, gân cơ dưới vai và gân cơ tròn bé. Chúng đóng vai trò quan trọng vào các hoạt động phức tạp của khớp vai. Do nhiều nguyên nhân như chấn thương, tuổi tác, vấn đề chuyển hóa khiến bộ phận này bị tổn thương, gây ra tình trạng rách chóp xoay vai, làm hạn chế tầm vận động của khớp. Khi đó người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức dữ dội và mức độ đau tăng lên khi hoạt động mạnh.
Nhiều đối tượng bị rách chóp xoay vai không đe dọa tính mạng, tuy nhiên khi không được điều trị kịp thời có thể gây cản trở sinh hoạt, chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ gặp biến chứng khiến khớp vai dần mất khả năng vận động. Nếu hiện tượng này tiến triển nặng lên và các khớp bất động quá lâu sẽ khiến mô liên kết xung quanh khớp dày, căng, vai bị đông cứng. Cũng bởi vậy, ngay khi bị chấn thương, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị, đồng thời xây dựng chương trình phục hồi chức năng rách chóp xoay vai phù hợp cho từng đối tượng.
Mục đích phục hồi chức năng rách chóp xoay vai đó là:
- Giúp người bệnh lấy lại khả năng vận động khớp vai, tránh tình trạng cứng khớp, bất động khớp trong thời gian dài.
- Đẩy nhanh kết quả điều trị cho người bệnh để sớm trở về với cuộc sống sinh hoạt bình thường.
- Hỗ trợ giảm đau nhức, đẩy lùi những biến chứng có thể gặp phải sau chấn thương chóp xoay vai.
Nguyên tắc trị liệu
Chương trình phục hồi chức năng rách chóp xoay vai cần đảm bảo theo đúng nguyên tắc trong Y học mới đạt được kết quả cao, nhanh chóng và tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Nguyên tắc trị liệu:
- Bác sĩ cần thăm khám để nắm rõ tình trạng bệnh nhân, sau đó xây dựng chương trình trị liệu cụ thể cho từng trường hợp, đảm bảo tính cá nhân hóa.
- Nên can thiệp điều trị và phục hồi chức năng từ sớm để đạt được hiệu quả cao, nhanh chóng, tránh tình trạng cứng khớp, bất động khớp quá lâu ngày.
- Bệnh nhân phải tuân thủ đúng hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ, kỹ thuật viên trong suốt quá trình trị liệu, kể cả ở bệnh viện hay tại nhà.
- Người bệnh nên bắt đầu với những bài tập nhẹ nhàng, đơn giản, sau một thời gian mới tăng dần mức độ và độ khó, không cố gắng quá sức gây chấn thương không đáng có.
- Cần kiên trì tập luyện, duy trì trị liệu mỗi ngày cho đến khi hoàn thành chương trình phục hồi chức năng, không nên nóng vội hay bỏ giữa chừng sẽ ảnh hưởng đến kết quả sau cùng.
- Tùy từng giai đoạn khác nhau và tình hình sức khỏe của bệnh nhân, kỹ thuật viên, bác sĩ có thể điều chỉnh các phương pháp, bài tập sao cho phù hợp.
Các bài tập phục hồi chức năng rách chóp xoay vai
Như đã nói, hiện tượng rách chóp xoay vai dù không đe dọa tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động, sinh hoạt hàng ngày, tăng nguy cơ gặp biến chứng nếu không được điều trị, can thiệp từ sớm. Thông thường, người bệnh sẽ được kỹ thuật viên hướng dẫn các bài tập phục hồi chức năng rách xoay chóp vai để tăng độ linh hoạt cho chóp vai, đẩy nhanh hiệu quả xử lý.
Dưới đây là 5 bài tập trị liệu phổ biến và cho kết quả cao nhất:
Nằm nghiêng xoay vai
Đây là bài tập khá đơn giản, người bệnh hoàn toàn có thể thực hiện ngay tại nhà, không cần đến bệnh viện hay trung tâm phục hồi chức năng. Nằm nghiêng xoay vai có thể giúp phục hồi khả năng xoay vai như bình thường.
Cách thực hiện:
- Đầu tiên người bệnh nằm trên thảm hoặc trên giường, nghiêng theo phía tay lành.
- Tiếp đến gập khuỷu tay của cánh tay đang chấn thương tạo thành một góc 90 độ để ép sát khuỷu tay lên phần hông.
- Người bệnh cầm một quả tạ nhẹ ở bên tay có vai bị thương, nâng tạ từ trong ra ngoài hoặc trên xuống dưới.
- Chú ý giữ tạ khoảng 3 giây trước khi trở về vị trí cân bằng, đồng thời lặp lại mỗi lần 10 nhịp và ngày khoảng 3 lần.
- Trong một lần tập luyện, bệnh nhân có thể thực hiện ít hoặc nhiều hơn số nhịp tiêu chuẩn tùy thuộc sức khỏe, thể trạng của mình, đặc biệt ngừng xoay cánh tay nếu cảm thấy vai căng tức, khó chịu.
Kéo giãn căng vai
Trong chương trình phục hồi chức năng rách chóp xoay vai thường có bài tập kéo giãn căng vai. Các động tác của bài tập này đơn giản, nhẹ nhàng nhưng có khả năng làm nóng cơ vai, giúp chóp vai linh hoạt, vận động dễ dàng hơn, tránh bị bất động.
Cách thực hiện:
- Bệnh nhân đứng ở một ô cửa đang mở, dang rộng cánh tay sang hai bên.
- Mỗi bên tay sẽ nắm một bên ngưỡng cửa ở vị trí bằng hoặc có thể thấp hơn vai.
- Tiếp đến nghiêng người nhẹ về phía trước qua ngưỡng cửa cho đến khi vai có cảm giác căng nhẹ.
- Bạn giữ nguyên tư thế lưng thẳng khi nghiêng người, đồng thời chuyển trọng lượng cơ thể lên ngón chân sẽ thấy căng tức ở phía trước vai.
- Trở về vị trí ban đầu rồi lặp lại các động tác này, mỗi lần khoảng 5 lượt và ngày tập luyện 3 – 4 lần.
Giang tay nâng cao
Bài tập này thường được chỉ định tập luyện cho bệnh nhân đã phục hồi được một phần chức năng chóp vai, các cơn đau đã được kiểm soát. Trong khi tập luyện, bạn nên chú ý cẩn thận để tránh gặp chấn thương vì sẽ cần dùng đến tạ.
Cách thực hiện:
- Người bệnh đứng ở tư thế hai chân rộng bằng vai, đầu gối hơi cong xuống, giữ lưng thẳng và hơi ưỡn người về phía trước.
- Cầm hai quả tạ nhẹ hai bên tay, từ từ nâng tay lên cao và mở rộng cánh tay.
- Tiếp đến ép bả vai một cách nhẹ nhàng, không được nâng tay cao hơn vai.
- Lặp lại các động tác này mỗi lần 10 nhịp, mỗi ngày 3 lần và ngưng lại khi có cảm giác đau quá mức.
Kéo dây tập căng vai
Kéo dây tập căng vai là bài tập nâng cao khi phục hồi, cải thiện chức năng rách chóp xoay vai, tăng vận động cơ, khớp vai, từ đó bên vai chấn thương nhanh chóng trở về trạng thái bình thường. Để đạt được hiệu quả cao khi tập, bạn chú ý không nên di chuyển hay để vẹo cánh tay.
Cách thực hiện:
- Ban đầu người bệnh quỳ một gối xuống vuông góc với sàn nhà hoặc đứng trong tư thế hơi khuỵu hai gối, đồng thời hai cánh tay ép sát chiều dọc cơ thể.
- Tiếp đến giữ lưng thẳng và hai tay giữ dây thăng bằng và dần kéo để căng bên vai bị chấn thương.
- Cuối cùng, ép hai bả vai vào sát người, hạ vai xuống khi kéo dây.
- Nên thực hiện bài tập này mỗi lần 10 nhịp và 3 lần mỗi ngày, có thể tùy chỉnh linh hoạt dựa vào tình trạng cụ thể của bản thân. Trong trường hợp vai căng đau quá mức, nên ngừng tập.
Một số lưu ý cần nhớ khi trị liệu rách chóp xoay vai
Khi áp dụng các bài tập trị liệu phục hồi chức năng rách chóp xoay vai, để đạt được hiệu quả cao, nhanh chóng và đảm bảo an toàn, cần chú ý những vấn đề dưới đây:
- Có thể kết hợp nhiều bài tập để nâng cao kết quả trị liệu.
- Duy trì tập luyện hàng ngày và kiên trì trong thời gian dài, không được bỏ cuộc giữa chừng.
- Nếu không thể tự tập luyện trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể nhờ sự hỗ trợ của người thân.
- Thông báo ngay cho bác sĩ, kỹ thuật viên nếu gặp chấn thương, đau nhức trong quá trình trị liệu.
- Dành thời gian thăm khám để bác sĩ kiểm tra độ lành thương, khả năng tiến triển của bệnh và có những điều chỉnh về phương pháp điều trị, bài tập phục hồi chức năng nếu cần thiết.
- Người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt của mình để bệnh tình được cải thiện tốt hơn.
Trên đây là thông tin chi tiết về mục đích, nguyên tắc và những bài tập phục hồi chức năng rách chóp xoay vai phổ biến. Người bệnh tốt nhất nên thăm khám, nhận lời tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và kiên trì trị liệu để tăng khả năng vận động, sớm trở về với cuộc sống sinh hoạt bình thường.
The post Nguyên Tắc Và Bài Tập Phục Hồi Chức Năng Rách Chóp Xoay Vai appeared first on Đông Phương Y Pháp.
Nhận xét
Đăng nhận xét