Phục Hồi Chức Năng Sau Thay Khớp Gối: Các Giai Đoạn và Lưu Ý
Phục hồi chức năng sau thay khớp gối là một phần quan trọng cho một ca phẫu thuật thành công. Ngay sau khi thay khớp gối các chuyên viên vật lý sẽ lên một phác đồ để bệnh nhân có thể kiểm soát cơn đau, phục hồi độ dẻo dai của khớp gối. Đồng thời, kích hoạt các loại cơ chân, khớp gối vận động linh hoạt, lấy lại khả năng đi lại như trước đây, bệnh nhân có thể sớm quay trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường. Bài viết dưới đây cùng Đông Phương Y Pháp tìm hiểu thêm các giai đoạn của quá trình phục hồi chức năng khớp gối mà người bệnh sẽ phải trải qua.
Vai trò và nguyên tắc khi phục hồi chức năng sau thay khớp gối
Thực hiện tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối rất quan trọng và cần thiết, mang đến nhiều lợi ích nhất định cho người bệnh như:
- Giảm đau và sưng nề vị trí khớp gối sau khi phẫu thuật.
- Giúp tăng cường khả năng vận động của khớp gối và vùng xương bánh chè.
- Lấy lại khả năng chịu lực độc lập ở bên chân vừa thực hiện phẫu thuật.
- Tăng cường sức mạnh cơ chân và độ dẻo dai, linh hoạt như khớp gối thật của con người.
- Người bệnh tự tin hơn khi tự di chuyển với dụng cụ hỗ trợ, tập luyện phục hồi chức năng sau thay khớp gối càng sớm theo đúng quy trình, người bệnh sẽ càng sớm quay trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Để thực hiện tập phục hồi chức năng mang đến hiệu quả tốt nhất, người bệnh cũng như chuyên viên hỗ trợ cần tuân thủ theo những nguyên tắc như sau:
- Luôn tạo một tư thế an toàn và thoải mái nhất đến cho người bệnh.
- Việc tập luyện phải được kết hợp dùng thuốc, kiểm soát cơn đau và tình trạng sưng viêm của khớp gối.
- Khuyến khích người bệnh tự thay đổi tư thế tập luyện dưới sự hỗ trợ của chuyên viên vật lý trị liệu.
- Người bệnh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của chuyên viên hoặc bác sĩ. Tập luyện phục hồi chức năng sau thay khớp gối cần thời gian và sự kiên trì của người bệnh không nên quá nóng vội và cũng không gây áp lực quá lớn cho bản thân.
Sau khi thực hiện phẫu thuật thay khớp gối, người bệnh đã có thể tỉnh táo, kỹ thuật viên sẽ bắt đầu hướng dẫn bệnh nhân quá trình phục hồi chức năng. Người bệnh được hướng dẫn những bài tập khớp gối từ cơ bản đến phức tạp nhất. Người bệnh có thể cần sử dụng thêm các dụng cụ hỗ trợ như nạng hay khung tập đi.
Chương trình phục hồi chức năng sau khi phẫu thuật thay khớp gối sẽ bao gồm nhiều bài tập khác nhau, hỗ trợ sự vững chắc của khớp gối, chịu được lực thăng bằng cũng như thực hiện đúng chức năng vận động.
- Bài tập sức cơ: Giúp người bệnh luyện tập cơ mông, khớp háng, cơ cẳng chân và cơ đùi.
- Bài tập chống chân chịu lực: Người bệnh thay những loại khớp có xi măng, nên tập dần khả năng chịu lực lên chân phẫu thuật, còn với loại không có xi măng, người bệnh từ từ đặt những ngón chân xuống, tăng dần trọng lực cho tới khi đỡ đau hơn.
- Bài tập kết hợp: Thực hiện những bài tập đi bộ, lên xuống giường, ngồi xổm, lên xuống cầu thang có sự trợ giúp của người nhà, hộ lý chuyên nghiệp.
Quy trình phục hồi chức năng thay khớp gối theo các giai đoạn
Quá trình thực hiện phục hồi chức năng sau thay khớp gối thường sẽ kéo dài từ 4 đến 6 tuần hoặc hơn 12 tuần tùy theo tình trạng, bắt đầu từ ngày đầu tiên sau mổ. Tiến trình kết thúc nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, mức độ tập luyện của từng người bệnh.
Nhiều trường hợp, người bệnh cần được trao đổi riêng với bác sĩ, kỹ thuật viên để có tiến trình phù hợp. Điều này giúp người bệnh tiết kiệm thời gian tập luyện, duy trì được một trạng thái tinh thần ổn định, cũng như cho hiệu quả tốt nhất, sơm vận động bình thường quay trở lại cuộc sống.
Sau khi đã có thể đi lại ổn định, người bệnh có thể tham gia những hoạt động thể chất khác với cường độ nhẹ nhàng như: Đi bộ, tập luyện yoga, tập dưỡng sinh, thái cực quyền,… Nên tránh những bộ môn có cường độ tập luyện cao, động tác mạnh như quần vợt, bóng rổ, bóng đá, thể dục nhịp điệu, chạy bộ nhanh,…
Theo đó, các giai đoạn phục hồi chức năng sau thay khớp gối được thực hiện qua các mốc thời gian sau:
- Ngày 1: Sau khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh chủ yếu nên được nghỉ ngơi, có thể bắt đầu tập gấp, duỗi thẳng đầu gối, cần có sự hỗ trợ của người thân và chuyên viên.
- Ngày 2: Bệnh nhân bắt đầu ngồi dậy, đứng lên, ngồi xuống, có thể đi bộ và leo thang với sự hỗ trợ của khung tập hay mang nạng. Tập luyện để bước đầu làm quen khớp gối mới thay, cố gắng nâng đầu gối ít nhất 10 độ, tập duỗi thẳng và co đầu gối.
- Ngày thứ 3: Thông thường đến ngày này bệnh nhân có thể được xuất viện, đứng không cần hỗ trợ của người thân nhưng vẫn cần khung hoặc nạng, đi bộ khoảng cách xa hơn với những bước chậm, có thể tự mặc quần áo, đi nhà vệ sinh, đi lên, xuống cầu thang.
- Từ tuần 1 đến tuần 3: Người bệnh cố gắng co đầu gối khoảng 90 độ, thực hiện các bài tập cải thiện khả năng vận động và nâng cao phạm vi vận động của khớp gối. tập đi bộ và đứng khoảng hơn 10 phút, sử dụng gậy chống thay cho khung tập đi.
- Từ tuần 4 đến tuần 6: Người bệnh giai đoạn này đã có thể quay trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường như lái xe, làm việc văn phòng. Bên cạnh đó, vẫn cần tập luyện các bài tập cải thiện chức năng và phạm vi vận động.
- Từ tuần thứ 7 đến tuần 12: Duy tập tập luyện phục hồi chức năng sau thay khớp gối, tăng cường sức bền, sức mạnh của cơ bắp, khớp gối và những khớp xung quanh. Người bệnh có thể quay trở lại những hoạt động thể chất với cường độ thấp như đi bộ, tập yoga, tập thái cực quyền, tập dưỡng sinh,….
- Từ tuần thứ 12 trở đi: Người bệnh đã có thể tham gia những bộ môn tập luyện chuyên sâu nhưng cần cẩn trọng và được sự đồng ý của bác sĩ. Đồng thời suy trì tái khám theo đúng lịch hẹn để đảm bảo quá trình phục hồi tiến triển tốt và không có biến chứng.
Lưu ý sinh hoạt trong quá trình thực hiện Phục hồi chức năng sau thay khớp gối
Sau khi thực hiện phẫu thuật thay khớp gối, người bệnh cần ít nhất 3 tháng để có thể quay trở lại cuộc sống sinh hoạt như người bình thường. Sau khi hồi phục, người bệnh sẽ không thấy sự khác biệt giữa khớp gối tự nhiên và khớp gối nhân tạo được thay thế. Để quá trình phục hồi chức năng được diễn ra thuận lợi nhất, trong việc sinh hoạt hằng ngày, người bệnh cần chú ý một vài những thông tin như sau:
- Công việc: Bạn có thể quay trở lại công việc văn phòng nhẹ nhàng, không phải đi ;lại quá nhiều từ sau 4 tuần. Còn công việc phải di chuyển nhiều, mất sức hơn bạn nên dành từ 3 tháng trở lên sau phẫu thuật để quay trở lại công việc.
- Lái xe: Từ 6 – 8 tuần trở lên nếu khớp gối không còn cảm thấy đau và việc phục hồi chức năng tốt, hiệu quả, bạn có thể lái xe trở lại. Ngoài ra cũng có thể tham khảo trực tiếp ý kiến của bác sĩ.
- Làm việc nhà: Bắt đầu từ sau một tháng khi cơ thể đã quen với khớp gối nhân tạo, có thể di chuyển được bình thường, bạn đã có thể làm những công việc tại nhà nhẹ nhàng như giặt giũ, lau phủi bụi, rửa bát,… Bạn nên tránh những công việc nặng nhọc phải dùng sức và lực ở chân quá nhiều.
- Chế độ dinh dưỡng: Bạn nên bổ sung thật nhiều thực phẩm giàu dưỡng chất cho cơ thể và giúp cho vết thương nhanh chóng hồi phục. Tăng cường những loại thực phẩm giàu canxi, vitamin D, chất xơ để ngừa táo bón do tác dụng phụ của thuốc giảm đau.
Bên cạnh những lưu ý về quá trình sinh hoạt, bệnh nhân cũng cần chăm sóc khớp gối sau phẫu thuật:
- Tiếp tục sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ để cải thiện tình trạng sưng, viêm, tại vị trí khớp gối được thay. Không tự ý dùng mà cần tuân theo liều lượng và loại thuốc đã được kê trước đó.
- Sử dụng khung tập, nạng, gậy chống hỗ trợ quá trình đi lại sau phục hồi theo từng giai đoạn.
- Duy trì thực hiện đều đặn những bài tập để khớp gối được vận động linh hoạt nhất, tránh ép gối quá nhiều, phòng tránh xơ cứng khớp.
- Tránh tư thế ngồi khoanh chân, xoay khớp gối, quỳ trong 6 tuần đầu tiên.
- Không kê gối ở bên dưới khớp chân vừa phẫu thuật.
- Có thể áp dụng những mẹo dân gian như chườm đá, chườm lá ngải trên đầu gối mới thay khớp để giảm đau, sưng.
Một vài những câu hỏi xung quanh việc vật lý trị liệu sau thay khớp gối
Dưới đây là một số câu hỏi trong quá trình phục hồi chức năng sau thay khớp gối mà người bệnh thường quan tâm nhất:
Sau phẫu thuật thay khớp gối, khi nào cần đến bệnh viện?
Nếu tình trạng sức khỏe phục hồi tốt, bạn không cần đến bệnh viện chỉ cần trao đổi với bác sĩ, định kỳ tái khám thường từ 3 – 6 tháng để kiểm tra khớp gối. Còn trong trường hợp sau phẫu thuật và quay trở về nhà, người bệnh bị sốt cao trên 38 độ, bị té ngã, đầu gối xuất hiện cơn đau bất thường, sử dụng thuốc không có hiệu quả, tại vị trí vết mổ có dịch chảy ra, màu sắc trên da thay đổi,… Lúc này, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra lại và có hướng giải quyết kịp thời nhất.
Cần chuẩn bị môi trường ở nhà như thế nào cho quá trình phục hồi chức năng được tốt nhất?
Người bệnh sau phẫu thuật nên được ở nhà có tầng 1, phòng ngủ, phòng khách và phòng vệ sinh cùng tầng để thuận tiện cho việc đi lại. Nên đặt gần giường người bệnh nhiều đồ vật cần dùng trong sinh hoạt. Loại bỏ những mối nguy hiểm như thảm, dây diện dễ vướng mắc. Nên cho người bệnh ngồi ghế dựa cao, có chỗ gác tay khi ăn uống hoặc ngồi nghỉ ngơi.
Làm thế nào để phục hồi chức năng sau thay khớp gối được nhanh nhất?
Người bệnh cần tập luyện các bài tập và cường độ theo hướng dẫn của chuyên viên trị liệu mỗi ngày, không tập quá sức. Quá trình luyện tập sẽ có nhiều khó khăn nên đòi hỏi người bệnh phải kiên trì và cố gắng. Kiểm soát cơn đau trước và sau khi tập bằng cách dùng túi chườm đá không quá 20 phút từ 4 – 6 lần/ngày. Thường xuyên thay đổi tư thế khớp, luân phiên gập duỗi để quen với khớp mới.
Phòng ngừa sau phẫu thuật thay khớp gối?
Người bệnh lưu ý không để chân được thay khớp gối chịu sức nặng quá nhiều. Đặt khớp gối ở tư thế gập chân vuông góc hoặc duỗi thẳng, không vặn khớp gối khi xoay người. Người bệnh cũng không ngồi bắt chéo chân, đi cầu thang nhẹ nhàng theo hướng dẫn, luôn sử dụng dụng cụ hỗ trợ cho đến khi chân quen hẳn với việc chịu lực một cách độc lập.
Trên đây là những thông tin chung về việc phục hồi chức năng sau thay khớp gối. Hy vọng, bài viết đã giúp người bệnh hoặc bạn đọc có người thân trong gia đình đang gặp phải tình trạng này biết cách chăm sóc sức khỏe để nhanh hồi phục và quay trở lại cuộc sống.
The post Phục Hồi Chức Năng Sau Thay Khớp Gối: Các Giai Đoạn và Lưu Ý appeared first on Đông Phương Y Pháp.
Nhận xét
Đăng nhận xét